Viêm chân răng có mủ nguy hiểm không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị an toàn

Viêm chân răng có mủ là tình trạng viêm nhiễm có nguy cơ biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe răng miệng. Mọi người không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường. Việc sớm phát hiện bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị và ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát.

Tìm hiểu viêm chân răng có mủ là bệnh gì?

Viêm chân răng có mủ hay áp xe răng là một bệnh lý về răng miệng xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Bệnh hình thành vi khuẩn tấn công, tạo ổ viêm ngay dưới chân răng và ảnh hưởng trực tiếp đến nướu. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời viêm chân răng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm chân răng có mủ là tình trạng vùng xung quanh chân răng bị lên mủ
Viêm chân răng có mủ là tình trạng vùng xung quanh chân răng bị lên mủ

Bệnh viêm chân răng có mủ được chia thành 3 dạng theo vị trí viêm nhiễm:

  • Viêm quanh chóp răng: Tình trạng viêm ở đầu chân răng do vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng do răng bị tổn thương nhỏ ở chóp răng.
  • Viêm nha chu: Hay còn được gọi là viêm quanh chân răng, vị trí viêm được xác định là nướu, dây chằng và lan sang cả xương ổ răng.
  • Viêm nướu răng: Khi nướu bao quanh chân răng bị tổn thương, vi khuẩn tích tụ tạo thành ổ viêm nướu sưng to và có mủ. Nguyên nhân gây viêm nướu răng rất đa dạng có thể do xương cá, vỏ của bỏng ngô, lông bàn chải đánh răng,… găm vào nướu.

Nguyên nhân gây áp xe răng

Các túi mủ hình thành xung quanh chân răng và nướu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do tổn thương cơ học dẫn đến viêm nhiễm. Một số tác nhân dẫn đến tình trạng viêm chân răng có mủ gồm có:

  • Túi mủ hình thành do các bệnh lý liên quan đến răng: Có đến già nửa số ca viêm chân răng có mủ là do sâu răng và viêm tủy răng gây ra. Khi răng bị sứt mẻ, nứt, sâu, vi khuẩn sẽ tấn công trực tiếp vào tủy răng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tạo thành túi mủ xung quanh chân răng, gây đau buốt, có mùi hôi.
  • Hậu quả của bệnh nha chu: Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nha chu, người bệnh sẽ chưa có những biểu hiện viêm chân răng có mủ. Tuy nhiên đến giai đoạn sau nướu bị sưng phồng gây chảy mủ giữa răng, nướu và có thể gây ra áp xe chân răng.
  • Do nội tiết thay đổi khi mang thai: Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những nhóm đối tượng khác. Do khi có bầu Estrogen và Progestin tăng bất thường làm cho mao mạch nướu phình to, gấp khúc. Hệ quả làm huyết dịch bị ứ trệ, tính thẩm thấu của thành mao mạch tăng thêm khiến nướu bị viêm.
  • Viêm chân răng có mủ do răng khôn mọc: Trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc xiên xâm lấn các răng khác khiến nướu bị sưng viêm.
  • Chăm sóc răng miệng không đúng cách: Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hủy hoại men răng bằng các tác động cơ học như cắn vật cứng, xỉa răng… Đây chính là những nguyên nhân khiến nướu bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
  • Nguyên nhân khác: Ngoài ra tình trạng viêm chân răng có mủ là hệ quả của điều trị hóa chất ung thư, tác dụng phụ của thuốc tây, đồ ăn cay nóng…
Răng khôn mọc lệch, lợi trùm cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh
Răng khôn mọc lệch, lợi trùm cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh

Những dấu hiệu nhận biết đã bị viêm chân răng

Khi bị viêm chân răng có mủ người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng cơ bản như sau:

  • Các cơn đau buốt thường xuyên xuất hiện và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số trường hợp cơn đau lan ra khắp hàm kèm theo đau tai và cổ. Cơn đau trở nên nặng hơn khi nhai, cắn đồ ăn hoặc nằm nghiêng về bên có răng bị viêm.
  • Phần nướu bao quanh răng bị sưng đỏ, đỏ có thể kèm theo đầu mủ trắng, mặt bên có răng viêm cũng bị sưng.
  • Răng nhạy cảm hơn, có cảm giác lung lay, đổi màu hoặc trồi lên cao hơn so với các răng khác.
  • Hạch bạch huyết mềm hơn, sưng to, hơi thở có mùi hôi, một số trường hợp kèm theo sốt do viêm nhiễm.
  • Trường hợp bị nhiễm trùng nặng, tác động đến hệ thần kinh người bệnh bị sốt cao từng cơn, mê sảng, tim đập nhanh.
  • Cơn đau nhức giảm thiểu đáng kể khi khối mủ vỡ ra, mủ có mùi tanh, kèm theo máu. Tuy cơn đau thuyên giảm hoặc biến mất nhưng nếu người bệnh chủ quan không điều trị, mủ lên lại nhiều lần gây ảnh hưởng tới các răng bên cạnh.

Bị viêm chân răng có mủ nguy hiểm không, có chữa khỏi được không?

Khi bị viêm chân răng có mủ mọi người nên đi gặp nha sĩ để sớm xử lý, làm sạch khu vực răng bị ảnh hưởng, hạn chế nhiễm trùng lan rộng sang các răng khác. Đặc biệt là tình trạng viêm chân răng có mủ ở trẻ em có thể ảnh hưởng tới quá trình hình thành răng cố định, hàm khiến răng mọc lệch, khấp khểnh…

Chân răng bị viêm khiến người bệnh bị đau nhức, khó khăn trong việc ăn uống, cơn đau kéo dài khiến họ mất tập trung khi làm việc, mất ngủ. Không những thế viêm chân răng có mủ còn có nguy cơ biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như:

  • Gây sâu răng, viêm tủy, làm yếu răng.
  • Viêm chân răng gây nhiễm trùng xương hàm, lan rộng sang cổ, đầu. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh, gây nhiễm trùng máu toàn thân, đe dọa tính mạng

Bệnh viêm chân răng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp. Mọi người không nên chủ quan, khi nhận thấy các dấu hiệu viêm chân răng cần đến gặp nha sĩ ngay, tránh để bệnh tình tiến triển nặng, khó kiểm soát.

Cách điều trị dứt điểm viêm chân răng có mủ

Khi bị viêm chân răng nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian điều trị tại nhà để làm giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, điều trị tại nhà không mang lại hiệu quả triệt để, dễ bị tái phát. Những cách chữa viêm chân răng có mủ tại nhà gồm có:

  • Sử dụng lá rau kinh giới: Trong kinh giới có chứa một số thành phần kháng viêm có tác dụng loại bỏ mủ chân răng hiệu quả. Mỗi ngày đun 1 nắm kinh giới với nước, cho thêm ít muối trắng lấy nước súc miệng 2 lần mỗi ngày.
  • Chữa viêm chân răng bằng gừng tươi: Gừng không chỉ là một loại gia vị mà còn là vị thuốc trông Đông y, vị cay, tính ấm và có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả. Thái lát gừng hoặc đập dập, đắp trực tiếp lên vùng bị đau, mỗi ngày thực hiện một lần sẽ thấy chuyển biến tích cực.

00Lá rau kinh giới có chứa chất kháng viêm giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnhNhiều người bệnh đặt ra câu hỏi chữa viêm chân răng có mủ tại nhà có hiệu quả hay không? Theo lời khuyên của nha sĩ, thì mọi người không nên tự ý điều trị, khi răng bị viêm, lên mủ là tình trạng đã nặng, dễ lây lan sang các răng khỏe mạnh khác. Khi đó các mẹo dân gian gần như không có tác dụng, trì hoãn điều trị tại nhà chỉ khiến bệnh thêm nghiêm trọng.

Vậy viêm chân răng có mủ uống thuốc gì và điều trị như thế nào tốt nhất?

Phương pháp điều trị viêm chân răng có mủ còn tùy thuộc vào tình trạng thực tế của từng bệnh nhân. Việc đầu tiên là bác sĩ sẽ thực hiện vệ sinh vùng răng bị nhiễm trùng, loại bỏ mủ. Một số trường hợp cần thực hiện chụp X-quang để xác định vị trí ổ viêm và mức độ ảnh hưởng tới các răng xung quanh, sau đó sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Khi viêm chân răng ảnh hưởng đến tủy, nha sĩ sẽ thực hiện điều trị tủy và trám lại răng
Khi viêm chân răng ảnh hưởng đến tủy, nha sĩ sẽ thực hiện điều trị tủy và trám lại răng

Các phương án điều trị viêm chân răng mang lại hiệu quả tích cực nhất gồm có:

  • Dẫn lưu mủ: Nói cách khác đây là cách để loại bỏ hoàn toàn mủ bao quanh chân răng. Nha sĩ sẽ chích ổ mủ, làm sạch và sát trùng để ngăn ngừa lây nhiễm sang các vị trí xung quanh. Trường hợp viêm chân răng lan rộng có thể người bệnh cần sử dụng thêm một số thuốc trị viêm chân răng có mủ. Do hệ miễn dịch bị tấn công không có khả năng kháng lại vi khuẩn nên cần có kháng sinh hỗ trợ.
  • Loại bỏ tủy răng: Khi viêm chân răng ăn sâu vào tủy, gây đau nhức kèm theo mủ bao quanh thì ngoài việc loại bỏ mủ nha sĩ sẽ thực hiện loại bỏ tủy răng bị viêm. Bằng cách khoan một lỗ nhỏ tại vị trí men răng bị tổn thương, loại bỏ tủy và các dây thần kinh sau đó tráng lại hoặc bọc lại.
  • Nhổ răng: Nếu răng bị tổn thương quá nặng, không thể phục hồi được, nha sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng, làm sạch ổ viêm và tư vấn người bệnh trồng răng mới thay thế.
  • Thực hiện tiểu phẫu loại bỏ dị vật: Một số trường hợp bị viêm chân răng có mủ do dị vật như vảy cá, xương, lông bàn chải cắm vào nướu, nha sĩ sẽ làm tiểu phẫu, loại bỏ dị vật.

Biện pháp phòng tránh viêm chân răng và ngăn ngừa bệnh tái phát

Viêm chân răng có mủ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, chưa kể đến những biến chứng nguy hiểm do người bệnh chủ quan. Tốt nhất, mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nha sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau:

  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách, chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm, nên thay bàn chải mới sau mỗi 3 tháng sử dụng.
  • Nên sử dụng các loại kem đánh răng có chứa flour để tái khoáng men răng, giúp răng thêm chắc khỏe.
  • Sau khi ăn đồ ngọt, sử dụng nước uống có ga nên súc miệng bằng nước lọc, tốt nhất sau 30 phút nên đánh răng.
  • Không cắn hoặc nhai các vật cứng có thể khiến men răng bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, hình thành ổ viêm.
  • Không nên xỉa răng bằng tăm vì tăm cứng có thể gây tổn thương nướu và làm thưa chân răng. Thay vào đó mọi người nên sử dụng chỉ nha khoa đúng cách để loại bỏ mảng bám.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích gây tổn hại đến răng như rượu, bia, thuốc lào, thuốc lá. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều thực phẩm có chứa canxi và khoáng chất tốt cho răng trong thực đơn hàng ngày.
  • Nên đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng và xử lý.
  • Khi nhận thấy có dấu hiệu viêm nhiễm chân răng, ê buốt hay bất thường nào mọi người nên đến gặp nha sĩ để thăm khám.
  • Khi viêm chân răng chưa thể đi khám ngay người bệnh nên sử dụng nước muối súc miệng hàng ngày. Ngoài ra, có thể uống thêm một số loại thuốc kháng viêm có chứa ibuprofen để ngăn ngừa viêm nhiễm đến khi đi khám.

Viêm chân răng có mủ nằm trong top những bệnh lý về răng miệng tương đối phức tạp. Người bệnh nên chủ động tìm hiểu thông tin để biết cách chăm sóc và cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Cùng với đó là xây dựng lối sống lành mạnh, loại bỏ những thói quen gây ảnh hưởng không tốt đến răng miệng để ngăn ngừa bệnh khởi phát.

Chia sẻ

Bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Messenger zalo
Chia sẻ
Bỏ qua