Mòn men răng là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả
Mòn men răng là tình trạng khá phổ biến có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khi men răng bị suy thoái, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng ê buốt, đau khi nhai nuốt đồ ăn hoặc răng bị xỉn màu… Mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời để có được hàm răng chắc khỏe.
Tìm hiểu mòn men răng là gì?
Mòn men răng là tình trạng men răng bị tấn công bởi các hợp chất axit có phản ứng hóa học với canxi khiến răng bị oxy hóa. Men răng là lớp vật chất cứng bao bọc bên ngoài giúp bảo vệ răng khỏi các tác nhân gây hại. Khi lớp men răng bị bào mòn sẽ khiến răng mất đi màu trắng sáng tự nhiên đồng thời làm tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm tủy răng.
Khi răng bị mòn men sẽ không có khả năng tái tạo, có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn. Răng trở nên nhạy cảm hơn khi nhai hoặc tiếp xúc với không khí, nước hoặc đồ ăn nóng lạnh. Bên cạnh đó khả năng nghiền nát thức ăn cũng bị suy giảm, gây ảnh hưởng gián tiếp tới hệ tiêu hóa.
Nguyên nhân – Dấu hiệu gây nên tình trạng mòn men răng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất men răng hoặc mòn men răng. Bề mặt răng mòn do thói quen ăn uống, nhai, cắn các vật cứng. Mặt trong men răng mòn do axit tích tụ. Chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, vệ sinh răng miệng không tốt khiến các tác nhân có cơ hội xâm nhập và gây hại. Cụ thể:
- Do người bệnh sử dụng nhiều đồ ăn, thức uống có tính axit, gây phản ứng oxy hóa làm ảnh hưởng trực tiếp đến men răng.
- Người bị trào ngược dạ dày có nguy cơ bị mòn men răng cao hơn người bình thường. Hơi axit trong dạ dày gây mòn mặt trong của răng cửa trên.
- Men trên bề mặt nhai của răng bị mòn do tật nghiến răng hoặc thói quen cắn móng tay, nhai các thực phẩm cứng.
- Uống ít nước cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến men răng. Không uống đủ nước khiến miệng bị khô, tiết bọt nhiều khiến axit bám lại trên răng lâu hơn. Ngoài ra, uống ít nước cũng là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi khó chịu.
- Men răng mòn do thói quen sinh hoạt không đúng cách, chải răng quá nhiều lần trong ngày, dùng bàn chải lông quá cứng, đánh răng quá mạnh…
- Bé bị mòn men răng do ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn sữa đêm, sau khi ăn sữa không cho bé uống nước.
- Bên cạnh đó, tình trạng này cùng do ảnh hưởng của một số nguyên nhân khách quan như yếu tố di truyền, thuốc điều trị bệnh lý về răng miệng khác.
Ở mức độ mòn nhẹ sẽ không có quá nhiều biểu hiện nên người bệnh chủ quan và không nhận biết được tính nghiêm trọng của vấn đề. Càng lâu, men răng càng bị mòn, người bệnh sẽ cảm nhận được nhiều triệu chứng rõ rệt như sau:
- Phần cổ răng bị khuyết hoặc lõm vào trong theo hình chữ V, tình trạng này thường xuất hiện ở vùng răng cửa trước.
- Răng bị đổi màu, ngả vàng và xuất hiện những vết rạn từ nhẹ đến nặng trên bề mặt răng.
- Hình dáng nguyên bản của răng bị thay đổi đặc biệt là ở các cạnh tròn và nhọn, răng dễ bị sứt mẻ do tác nhân bên ngoài.
- Điểm tiếp xúc bề mặt răng cũng có sự thay đổi, chiều cao của răng bị giảm, mặt nhai bằng phẳng hơn, khó nghiền nát thức ăn hơn.
- Khi ăn đồ chua, đồ ăn nóng hoặc lạnh người bệnh có cảm giác ê buốt, nhói đau.
Cách chữa trị mòn men răng được áp dụng phổ biến nhất
Do mòn men răng có thể gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng, vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khó có thể phục hồi được về trạng thái ban đầu. Vì vậy, mọi người nên quan tâm và chú ý đến những thay đổi bất thường để sớm đoán biết được tình trạng và có giải pháp điều trị phù hợp. Việc sớm phát hiện giúp ngăn chặn những tổn thương sâu và giữ được lớp men răng tự nhiên.
Khi nhận thấy các triệu chứng mòn men răng người bệnh nên đi thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cụ thể. Phương pháp điều trị mòn men răng còn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người.
Đối với trường hợp tổn thương nhẹ
Răng mới bị mòn men, không bị nhạy cảm với đồ ăn thì người bệnh chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày phù hợp. Bên cạnh đó sử dụng thêm một số dung dịch súc miệng để loại bỏ axit bám bề mặt, dùng kem đánh răng có chứa flour hàng ngày để ngăn ngừa.
Một số trường hợp mòn men bề mặt có thể điều trị bằng giải pháp trám men răng. Thông thường trong nha khoa sử dụng hai vật liệu chính là Composite (miếng trám nhựa) hoặc GIC.
Đối với trường hợp mòn men răng nặng
Khi người bệnh có những triệu chứng rõ rệt, men răng chuyển màu không thể phục hồi được. Trường hợp này bác sĩ nha khoa sẽ yêu cầu thực hiện bọc răng, vừa bảo vệ men răng cũ, vừa cải thiện thẩm mỹ. Tuy nhiên, trước khi bọc răng người bệnh cần thực hiện điều trị triệt để những biến chứng do mòn men răng gây ra như sâu răng, viêm tủy…
Một số lưu ý chăm sóc khi men răng bị tổn thương
Song song với việc phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh cũng cần lưu ý một số nguyên tắc để cải thiện tình trạng và ngăn ngừa diễn biến xấu.
- Nếu nguyên nhân gây mất men răng là do sử dụng thuốc điều trị bệnh lý, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyển sang sử dụng loại thuốc tương đồng khác.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi và khoáng chất tốt cho răng.
- Thực hiện đúng theo hướng dẫn của nha sĩ, nên đi khám răng định kỳ, chăm sóc răng miệng đúng cách.
Biện pháp ngăn ngừa mòn men răng hiệu quả
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa tình trạng mòn men răng, bác sĩ nha khoa đưa ra lời khuyên cụ thể như sau:
- Mọi người nên chăm sóc răng miệng đúng cách, đánh răng 2 lần mỗi ngày. Khi đánh răng nên sử dụng các loại kem có chứa flour, dùng bàn chải lông mềm, chải đúng cách để không làm ảnh hưởng đến men răng.
- Sau khi ăn nên dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối hoặc nước lọc để loại bỏ axit và mảng bám trên răng.
- Hạn chế sử dụng đồ ăn, thức uống có tính axit như nước ngọt có ga, các loại trái cây có vị chua. Khi dùng nước uống có axit nên sử dụng ống hút để tránh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt răng.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để hạn chế và loại bỏ axit trong khoang miệng.
- Không nên dùng răng cắn trực tiếp các đồ cứng như quả hạch, mở nắp chai hoặc nhai đá. Những yếu tố này có thể làm vỡ kết cấu men răng, khiến răng bị yếu đi.
- Có thể sử dụng một số loại kẹo cao su không đường có chứa xylitol để giúp răng thêm chắc khỏe, cung cấp khoáng chất quan trọng cho răng. Đồng thời kẹo cao su giúp lấy đi các mảng bám, làm giảm tác động của axit đến răng.
- Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt và tinh bột đặc biệt là vào buổi tối, sau khi ăn đồ ngọt xong cần đánh răng. Như vậy vừa ngăn ngừa bệnh sâu răng, vừa tránh làm hại men răng.
Trên đây là những thông tin quan trọng về mòn men răng và cách xử lý, điều trị khi phát hiện bệnh. Mọi người nên chủ động chăm sóc và vệ sinh răng miệng hàng ngày để có được hàm răng chắc khỏe, sáng bóng. Không nên chủ quan khiến răng bị tổn thương kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng ngoài ý muốn.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!