Viêm nha chu khi niềng răng do đâu? Có nguy hiểm không – Cách khắc phục
Viêm nha chu khi niềng răng là tình trạng nguy hiểm có thể khiến người bệnh đối mặt với một số biến chứng. Người bệnh sẽ phải tạm ngừng chỉnh nha, sức khỏe răng miệng bị ảnh hưởng và cả yếu tố thẩm mỹ. Để hiểu rõ về tình trạng này và các hướng dẫn điều trị an toàn đọc giả không nên bỏ qua những thông tin dưới đây.
Viêm nha chu khi niềng răng là gì?
Nha chu là tổ chức gồm lợi, xương răng, ổ xương răng, dây chằng quanh răng. Chúng làm nhiệm vụ chống đỡ, lưu giữ răng trong xương. Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây tổn thương phần mô mềm và phá huỷ khung xương xung quanh răng. Bệnh lý này có thể khiến răng bị lỏng và lâu dần có thể dẫn đến tình trạng mất răng.
Viêm nha chu là bệnh thường gặp trong quá trình niềng răng. Đây là trường hợp nguy hiểm khiến người bệnh phải tạm ngừng chỉnh nha. Bệnh còn ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng và yếu tố thẩm mỹ. Đáng nói, bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh ít chú ý đến.
Ngoài ra, bệnh còn làm hôi miệng khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp, bị cô lập trong cuộc sống. Do vậy, khi nhận thấy có dấu hiệu sưng nướu, chảy máu chân răng bất thường hoặc các ổ viêm bạn nên chủ động thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm nha chu khi đeo niềng?
Trong thời gian đầu bệnh viêm nha chu chỉ ảnh hưởng đến phần mô mềm – nướu răng. Nhưng rất nhanh chóng, mức độ và diện tích tổn thương sẽ tăng dần và gây ảnh hưởng đến cả xương ổ răng. Khi đó, bạn sẽ phải ngừng chỉnh nha cho đến khi khắc phục được hoàn toàn tình trạng viêm nha chu.
Bệnh viêm nha chu khi niềng răng có thể khởi phát do một số nguyên nhân chính như:
- Bác sĩ tay nghề kém: Một yếu tố vô cùng quan trọng là lựa chọn nha sĩ trước khi quyết định chỉnh nha. Nếu lực sử dụng khí cụ nha không phù hợp, không đảm bảo hoặc lực siết quá mạnh sẽ khiến vi khuẩn được đưa vào trong khoang miệng. Do đó chúng ta nên cân nhắc chọn những cơ sở nha khoa điều trị viêm nha chu và niềng răng uy tín.
- Điều trị viêm nha chu không triệt để: Trước khi niềng răng người bệnh sẽ phải tiến hành điều trị các vấn đề về răng miệng đang mắc phải và làm sạch mảng bám. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm nha chu không được khắc phục triệt để, các hốc khoảng trống giữa răng và lợi vẫn tồn tại. Do đó, vi khuẩn sẽ trở thành mầm mống để bệnh tái phát khi đeo niềng răng.
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Trong quá trình đeo niềng thì việc vệ sinh răng miệng sẽ trở nên khó khăn hơn. Sau khi ăn uống, thức ăn thừa và mảng bám rất dễ đọng lại ở mắc cài. Nếu người bệnh không loại bỏ và làm sạch thức ăn thừa đúng cách sẽ rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ, gây viêm nha chu.
Vậy bệnh nha chu khi niềng răng có nguy hiểm không?
Viêm nha chu, đặc biệt là viêm nha chu mãn tính được xếp vào dạng nghiêm trọng. Đặc biệt, viêm nha chu khi niềng răng nguy hiểm hơn. Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, phần nướu ở chân răng thường xuyên bị chảy máu và trực tiếp ảnh hưởng đến xương ổ răng. Các túi mủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ hơn:
- Xương ổ răng bị tổn thương dẫn tới mất liên kết, khiến răng lung lay thậm chí là mất răng. Khi đó, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và lộ trình niềng răng. Để điều trị các bác sĩ buộc phải tháo bỏ niềng và gây ra gián đoạn quá trình chỉnh nha.
- Vi khuẩn gây hại trú ngụ lâu ngày bên trong các túi mủ hoặc khoang miệng có thể ảnh hưởng tới tim, tắc nghẽn động mạch, thậm chí là đột quỵ. Phần mắc cài và cốt bám vào răng, lợi sẽ gây ra cảm giác đau đớn hơn bình thường, nguyên nhân là chúng chạm vào túi mủ hoặc phần lợi bị sưng. Ngoài ra, dụng cụ niềng răng cũng có thể trở thành công cụ để vi khuẩn tiếp tục cư trú và phát triển.
- Người bệnh gặp vấn đề viêm nha chu khi niềng răng khiến nha sĩ khó dự đoán hình ảnh răng sau khi niềng. Thêm vào đó, việc tháo bỏ niềng và ưu tiên điều trị cũng sẽ làm kéo dài thời gian chỉnh nha. Từ đó làm giảm hiệu quả thẩm mỹ so với ban đầu.
Xem thêm: Bà bầu bị viêm nha chu có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Liệu bị viêm nha chu có niềng răng được không?
Câu hỏi được nhiều người có nhu cầu chỉnh nha quan tâm là “viêm nha chu có niềng răng được không?”. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp không được tiến hành niềng răng thẩm mỹ do bị viêm nha chu mãn tính.
Bệnh viêm nha chu nếu không được loại bỏ triệt để sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục sinh sôi. Chúng sẽ tấn công vào nướu, ổ xương răng, tạo ra các hốc rỗng quanh răng và thậm chí gây mất răng.
Trường hợp này việc đeo niềng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi tổn thương vùng nướu, mất răng. Khi đó nha sĩ hoàn toàn không thể tiên lượng được thời gian hoàn thành chỉnh nha, dự kiến kết quả, siết lại dây thu và mắc cài định kỳ. Chính vì thế, bạn cần điều trị hoàn toàn viêm nha chu và ổn định sức khỏe răng miệng trước khi tiến hành chỉnh nha.
Ngoài ra, trong quá trình niềng răng nếu bạn bị viêm nha chu sẽ khiến hơi thở có mùi hôi và khó chịu. Bởi lúc này vi khuẩn tích tụ rất nhiều ở các kẽ răng. Hơn nữa, do niềng răng nên sẽ khó khăn hơn trong việc làm sạch và loại bỏ mảng bám có sâu bên trong. Chính điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm ảnh hưởng đến những tổ chức răng khác.
Thêm vào đó, khi niềng răng các nha sĩ sẽ sử dụng một lực để siết răng. Nếu bệnh nhân viêm lợi không được điều trị triệt để sẽ khiến răng dễ bị lung lay và dẫn đến rụng răng. Viêm nha chu khi niềng răng còn khiến người bệnh cảm thấy bị đau nhức lợi tăng lên rất nhiều.
Biện pháp khắc phục viêm nha chu khi niềng răng
Viêm nha chu có chữa được không là thắc mắc của nhiều độc giả. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời và áp dụng đúng phương pháp. Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết các triệu chứng của viêm nha chu. Bệnh này càng được can thiệp sớm thì khả năng phục hồi càng cao và nguy cơ tái phát sẽ càng thấp. Dưới đây là một số hướng dẫn điều trị viêm nha chu khi niềng răng.
Điều trị bằng thuốc
Nếu người bệnh có các dấu hiệu viêm nha chu khi niềng răng thì nha sĩ sẽ ngường chỉnh nha và ưu tiên trị liệu trước. Trong giai đoạn mới khởi phát viêm nha chu người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc. Kháng sinh, chống viêm, giảm đau là một các loại thuốc được ứng dụng phổ biến.
Điều trị không phẫu thuật
Phương pháp này được cân nhắc áp dụng cho các trường hợp viêm nha chu cấp tính không đáp ứng tốt với các loại thuốc điều trị tại chỗ. Bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp bằng các khí cụ nha khoa nhằm lấy đi ổ viêm nhiễm.
- Người bệnh được khám tổng quát, đánh giá mức độ tổn thương ổ xương và khả năng giữ lại răng.
- Nha sĩ thực hiện lấy cao răng, cạo sạch vết sâu nếu có và xử lý mặt gốc răng.
- Tiến hành chấm thuốc sát khuẩn vào các ổ áp xe.
Can thiệp phẫu thuật
Biện pháp điều trị phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp viêm nha chu mãn tính, có nguy cơ mất răng và biến chứng tới sức khỏe toàn thân. Biện pháp này nhằm làm giảm kích thước túi nha chu và loại bỏ hoàn toàn phần sưng viêm.
Trước khi tiến hành phẫu thuật người bệnh sẽ được làm sạch răng, loại bỏ vi khuẩn và mảng bám ở kẽ răng. Dựa vào thực trạng tổn thương của răng mà nha sĩ sẽ chỉ định các hình thức phẫu thuật phù hợp nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý là các phương pháp này sẽ không đảm bảo được hoàn toàn bệnh sẽ không tái phát. Cũng như không đảm bảo giúp người bệnh khôi phục hoàn toàn được khả năng nhai sau khi điều trị. Sau một thời gian nhất định khi đã đảm bảo khắc phục hoàn toàn vấn đề viêm nha chu thì bác sĩ sẽ chỉ định tiếp tục chỉnh nha.
- Phẫu thuật tái tạo: Tái tạo phần xương và mô nha chu đã bị phá hủy tạo. Phần xương và mô nha chu bị viêm nhiễm nặng sẽ hình thành túi viêm. Bên trong túi viêm này chứa rất nhiều vi khuẩn và có xu hướng to dần theo thời gian. Chúng sẽ ăn mòn xương và mô nha chu, từ đó làm cho răng lung lay nhiều. Cùng với đó, một hố rỗng giữa lợi, răng được hình thành và tiếp tục trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Mục đích của phương pháp này nhằm cố định một phần răng và giảm tăng sinh kích thước ổ viêm.
- Phẫu thuật ghép mô mềm: Người bệnh bị viêm nha chu mãn tính có thể bị tụt lợi khiến thân răng dần lộ ra nhiều. Phương pháp ghép mô mềm nhằm phục hồi tổn thương, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ lây lan tới mô lợi và xương quanh răng.
Cách phòng ngừa viêm nha chu khi niềng răng
Việc duy trì sức khỏe răng miệng luôn được khỏe mạnh cũng như ngăn chặn được tình trạng viêm nha chu phát sinh là vấn đề quan trọng. Các chuyên gia khuyến khích bạn duy trì một số thói quen tốt như:
- Giữ vệ sinh răng miệng luôn sạch sẽ, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ những mảng bám còn sót lại trên răng.
- Xây dựng một chế độ ăn uống với đầy đủ dưỡng chất nhưng đảm bảo khoa học với những thực phẩm tốt. Bổ sung trong thực đơn thêm các vitamin và khoáng chất có lợi cho răng, giúp răng trở nên chắc khỏe. Hạn chế sử dụng những thực phẩm có thể gây hại cho phần nướu răng để làm giảm nguy cơ mắc viêm nha chu khi niềng răng.
- Bên cần loại bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe. Cụ thể là không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng những đồ uống có cồn như rượu, bia dễ gây các bệnh lý về răng miệng.
- Trong quá trình niềng răng cần khám nha khoa và kiểm tra tình trạng răng miệng theo chỉ định của bác sĩ. Bạn sẽ nhận được những tư vấn cũng như các vệ sinh răng miệng mang lại hiệu quả cao và phòng ngừa được những bệnh lý về răng miệng.
- Nếu người bệnh bị viêm nha chu nặng trong quá trình niềng răng thì bắt buộc phải tháo niềng và điều trị nạo hết phần ổ bị viêm nhiễm. Nếu tình trạng bệnh nhẹ hơn thì phải điều chỉnh lại lực kéo và áp dụng một số loại thuốc chữa viêm nha chu, giảm sưng, kháng viêm để điều trị.
Viêm nha chu khi niềng răng là hiện tượng khá phổ biến có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả niềng răng. Nhưng tình trạng này có thể khắc phục được nếu người bệnh điều trị dứt điểm và kịp thời. Tốt nhất là bạn nên đến cơ sở nha khoa để được nha sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị với chuyên môn cao.
Dành riêng cho bạn:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!