Áp xe răng khôn có nguy hiểm không? Dấu hiệu và cách điều trị
Áp xe răng khôn là tình trạng mọc răng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời. Đây là một bệnh lý có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Bởi răng khôn khi mọc lệch đã rất khó chịu, nhưng khi bị thêm áp xe thì càng trở nên tệ và nguy hiểm hơn.
Áp xe răng khôn là gì?
Một trong những biến chứng nguy hiểm khi mọc răng số 8 là áp xe răng khôn. Áp xe là ổ mủ dưới nướu, trong thân răng, thường xuất hiện ở trong chân răng, cổ răng. Chúng gây ra cho người bệnh nhiều phiền toái trong hoạt động ăn uống và giao tiếp.
Tình trạng này không tự nhiên xuất hiện mà thường là kết quả của việc sâu răng bị vỡ. Răng vỡ làm lộ buồng tuỷ, khi đó vi khuẩn sẽ tấn công vào buồng tủy rồi tiếp tục đi đến ống tủy. Phần tủy bị chết sẽ tạo thành một khối mủ dưới chân răng còn gọi là khối áp xe. Áp xe có thể xuất hiện ở bất cứ răng nào nhưng nếu xuất hiện ở răng khôn thì bạn sẽ bị đau nhức nhiều hơn và khó điều trị hơn các răng khác.
Nguyên nhân gây áp xe răng khôn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mọc răng khôn bị áp xe. Trong đó có việc không chăm sóc sức khỏe răng miệng sớm, hoặc khi bị các bệnh lý về răng miệng mà không điều trị để bệnh phát triển sang hướng nguy hiểm và tạo ra các biến chứng khó lường. Có thể kể đến một số nguyên nhân gây áp xe răng khôn như:
- Điều trị không dứt điểm các bệnh lý nha khoa: Hệ quả của các bệnh lý như viêm nướu, sâu răng và viêm nha chu không trị dứt điểm sẽ gây ra áp xe răng khôn.
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Không vệ sinh hoặc vệ sinh không sạch sẽ tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, dẫn đến áp xe quanh chóp răng và các bệnh nha khoa khác.
- Điều trị nội nha thất bại: Việc rút tuỷ thường được chỉ định trong trường hợp sâu răng ăn vào tủy. Nếu bác sĩ không rút sạch tuỷ, không vô khuẩn khoang tủy trước khi trám bít có thể khiến vi khuẩn tiếp tục phát triển gây áp xe răng khôn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Người bệnh tiểu đường, tim mạch hay mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch có nguy cơ áp xe cao hơn. Vì lợi khuẩn trong khoang miệng giảm đi đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển và hình thành ổ mủ ở chân răng.
Dấu hiệu nhận biết áp xe răng khôn
Không khó để nhận biết áp xe răng khôn, nếu khoang miệng xuất hiện các nốt phồng như vết bỏng nước thì đó là các áp xe. Áp xe răng sưng to là do mưng mủ ở chân răng. Nếu không điều trị sớm các nốt áp xe có thể sẽ lây lan sang các răng bên cạnh.
- Cảm giác đau nhói bất chợt hoặc đau kéo dài.
- Triệu chứng đau răng nhức lên tai, người bệnh có cảm giác hơi ù tai, đau lên cả đầu.
- Mắt bị sưng mất cân đối, mắt đỏ.
- Phần nướu răng có hiện tượng đổi màu, răng hơi lung lay.
- Răng trở nên nhạy cảm hơn với một số loại thức ăn nhất là đồ nóng/lạnh.
- Người bệnh bị hôi miệng, có thể sốt cao hoặc cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
Tình trạng áp xe răng khôn có nguy hiểm không?
Không nên xem thường áp xe răng khôn vì đây là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ảnh hưởng của bệnh là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu người bệnh để lâu hay không có phương pháp điều trị khoa học thì biến chứng mang lại rất nghiệm trọng.
Ảnh hưởng sinh hoạt
Chỉ một chiếc răng khôn mọc ngầm hay mọc lệch cũng có thể gây ra cho bạn biết bao nhiêu phiền toái trong cuộc sống. Với trường hợp bị thêm áp xe nướu răng sẽ tác động lớn đến ăn uống, vệ sinh răng miệng và sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Khi bị áp xe răng khôn thật khó khăn để có thể ăn uống một cách ngon miệng. Bạn có thể phải loại khỏi thực đơn hàng ngày một số món khoái khẩu vì chúng không phù hợp với răng bị đau. Bên cạnh đó, nếu uống một ít nước đá cũng làm cho bạn ôm mặt vì đau nhức. Ngoài ra, người bị áp xe răng khôn nhiều khả năng bị nhức luôn cả xương hàm, sưng má và đau cả vùng trên khuôn mặt.
Nếu tình trạng đau nhức và nóng sốt kéo dài lâu dần sẽ tác động đến giấc ngủ và sức khỏe hệ tiêu hóa và toàn cơ thể. Thêm vào đó, việc nở một nụ cười tươi mới khi răng bị đau cũng vô cùng khó khăn. Áp xe răng khôn còn gây ảnh hưởng nhiều đến sắc mặt và hình ảnh của bạn trong mắt người đối diện.
Xem thêm: Các thuốc điều trị áp xe răng an toàn, hiệu quả hiện nay (Cập nhật)
Ảnh hưởng sức khỏe
Tình trạng đau nhức do áp xe răng khôn khiến người bệnh ăn uống khó khăn, ngủ không đủ giấc về lâu dài sẽ làm bạn mất sinh khí. Lâu dài tình trạng này còn làm chân răng không còn trụ vững trong xương ổ răng dẫn đến rụng răng. Đi kèm với áp xe chân răng là bệnh lý viêm nha chu.
Ngoài ra, khối áp xe có thể thông qua các mạch máu để đi đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Nếu đi đến não có thể gây ra viêm não, gây hôn mê, nhiễm trùng máu. Những biến chứng này rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Biện pháp điều trị áp xe răng khôn
Mỗi giai đoạn của áp xe răng khôn sẽ có các cách điều trị khác nhau. Ở giai đoạn đầu có thể hoàn toàn làm giảm các triệu chứng bằng thuốc. Nhưng nếu bệnh tình chuyển biến xấu hơn thì phải điều trị dứt điểm bằng một số thủ thuật xâm lấn. Dưới đây là một số phương pháp chữa trị áp xe răng số 8 hiệu quả.
Mẹo giảm triệu chứng mọc răng khôn bị áp xe tại nhà
Khi mới xuất hiện các triệu chứng áp xe răng khôn người bệnh có thể áp dụng cách giảm triệu chứng tại nhà. Phương pháp này thực hiện khá đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả bất ngờ:
- Ngậm nước muối ấm: Bạn pha loãng 1 thìa muối cùng với một cốc nước ấm. Ngậm dung dịch này trong khoảng 3 – 5 phút rồi nhổ bỏ để giảm triệu chứng đau nhức răng. Biện pháp này còn giúp người bệnh loại bỏ mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Do đó, bạn nên súc miệng nước muối vào buổi sáng để có hiệu quả tốt nhất.
- Chườm đá: Đây là một trong những cách giảm đau do áp xe răng số 8 khá hiệu quả. Mẹo này còn mang lại tác dụng giảm sưng, nóng rát và cải thiện thiện tình trạng nổi hạch ở cổ.
- Sử dụng một số thảo dược tự nhiên: Người bệnh có thể dùng một số thảo dược tự nhiên như lá trầu không, nha đam, lá trà xanh,… Dùng thảo dược này để đun nước súc miệng hoặc ngậm trực tiếp sẽ giúp giảm cơn đau và cải thiện tình trạng hôi miệng.
Thuốc Tây điều trị áp xe răng
Trường hợp người bệnh bị áp xe răng khôn ở mức độ nhẹ có thể sử dụng một số loại thuốc Tây. Chúng có công dụng là ức chế, tiêu diệt vi khuẩn và làm tiêu ổ mủ. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Thường sử dụng trong trường hợp này là Paracetamol, NSAID. Tác dụng của nhóm thuốc này là kiểm soát triệu chứng do đau nhức, ê buốt, hạ sốt.
- Kháng sinh đường uống: Sử dụng thuốc này để tiêu diệt vi khuẩn và kiểm soát nhiễm trùng ở chân răng. Các loại thuốc thường được dùng gồm Tetracycline, Penicillin, Amoxicillin, Metronidazole, Doxycycline,…
- Nước súc miệng kháng khuẩn: Người bệnh cũng có thể dùng nước súc miệng chứa Chlorhexidine để loại bỏ hại khuẩn tích tụ gây áp xe răng. Súc miệng thường xuyên còn có thể phòng ngừa nhiễm trùng lan sang các răng lân cận và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm hầu họng.
Lưu ý: Người bệnh chỉ nên sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt và kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi mặc dù các loại thuốc Tây có tác dụng giảm triệu chứng đau nhức, khó chịu do áp xe răng gây ra một cách nhanh chóng. Nhưng nếu lạm dụng người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhờn thuốc rất nguy hiểm.
Một số thủ thuật nha khoa xâm lấn
Khi áp xe răng khôn hình thành túi mủ lớn và có nguy cơ biến chứng nguy hiểm thì bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật xâm lấn. Tùy theo tình trạng cụ thể mà bạn sẽ được chỉ định thực hiện một trong số thủ thuật sau:
- Dẫn lưu mủ: Được áp dụng trong trường hợp người bệnh áp xe nướu răng, áp xe răng cấp tính. Mục đích của thủ thuật này nhằm loại bỏ tổ chức mủ ở chân răng, sau đó tiến hành làm sạch khoang tủy và trám bít lại. Thực hiện dẫn lưu mủ sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn lan sang răng khác hoặc xâm lấn sâu hơn vào ngà răng.
- Bọc răng sứ: Áp dụng khi răng bị tổn thương nhiều. Các bác sĩ sẽ tiến hành phục hồi hình dáng và chức năng của răng bằng cách bọc răng sứ. Mão răng sứ sẽ giúp bảo vệ răng thật khỏi tác động khi nhai, nghiền thức ăn. Bên cạnh đó là tránh sự xâm nhập của vi khuẩn Streptococcus mutans thường trú trong khoang miệng.
- Nhổ răng số 8: Trong trường hợp răng khôn bị mọc lệch, mọc ngầm thì lựa chọn tốt nhất là nhổ bỏ răng. Khi tiến hành nhổ răng sẽ gây đau và khó chịu, tuy nhiên sau khi loại bỏ tình trạng áp xe và viêm nhiễm sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
Lưu ý: Người bệnh cần lựa chọn địa chỉ uy tín để thực hiện các thủ thuật điều trị áp xe răng khôn. Vì ở đó có trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, nhờ đó mới có thể điều trị dứt điểm tình trạng bệnh.
Biện pháp phòng ngừa áp xe răng khôn
Tình trạng áp xe răng khôn gây ra nhiều phiền toái cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Do đó, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả dưới đây:
- Trong trường hợp răng số 8 có xu hướng mọc lệch, xiêu vẹo, chèn ép lên các răng lân cận thì cần chủ động nhổ. Hoặc bị sâu răng, viêm lợi cùng cần loại bỏ.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ được coi là biện pháp là phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Bạn nên tạo thói quen chải răng 2 – 3 lần/ngày, thời gian ít nhất 2 phút. Dùng nước súc miệng, kem đánh răng chứa fluoride để thúc đẩy quá trình tái khoáng và hạn chế nguy cơ sâu răng, áp xe răng khôn.
- Bạn cùng cần lựa chọn bàn chải có lông mềm, nên thay bàn chải 2 – 3 tháng/lần để đảm bảo hiệu quả làm sạch và không làm tổn thương nướu. Bạn cần kết hợp dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám trong kẽ răng.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, cần hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, axit, cứng, dai,… Hạn chế các đồ uống có gas, có cồn, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Nên thăm khám và lấy cao răng định kỳ, thường là 6 tháng/lần. Thói quen này sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng có thể gặp phải.
Áp xe răng khôn là bệnh lý răng miệng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Chính vì thế, việc tìm hiểu rõ về bệnh và các biện pháp chữa trị hiệu quả là hết sức cần thiết.
Click xem ngay:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!